RSS

Ám ảnh những phận người ở 'làng thánh vật ngày 22'


Ám ảnh những phận người ở 'làng thánh vật ngày 22'

Cho đến tận bây giờ, ở những gia đình có người thọ nạn ấy, chuyện khủng khiếp trên vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng…


Trong những tháng ngày kinh hoàng tại làng Vân Gia, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội, rất nhiều người đã bỏ mạng. Điều kinh hãi là những cái chết thường trùng lặp vào ngày 22, 23 âm lịch. Người chết thì đã chết, câu chuyện rùng rợn cũng đã dần qua, tuy nhiên, đối với những người còn sống, "đại nạn" ấy vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Ông Phùng Văn Tuấn, Trưởng thôn 8 bảo, ở làng Vân Gia có rất nhiều những gia đình đang sống rất vất vả bởi mất đi lao động chính trong nhà. Tang thương nhất là gia đình cụ Phùng Thị Mười, ở thôn 6. Chỉ trong 4 năm, gia đình cụ Mười đã phải chịu 3 cái tang. Con gái, con rể, rồi cháu trai cụ lần lượt kéo nhau về nơi chín suối với những cái chết rất đỗi lạ lùng.

Ám ảnh những phận người ở 'làng thánh vật ngày 22'

4 năm, 3 cái chết khiến gia đình bà Mười lao đao.

Bà Mười năm nay đã bước sang tuổi 90. Bà bảo, trời cho sống mà chẳng được sung sướng. Nhà neo người, bà phải gửi tuổi già vào cô con gái. Ấy thế mà cũng chẳng yên thân, mấy năm cuối đời chờ gió đưa về trời, thì lại gặp cảnh lá vàng chưa rụng lá xanh đã vội lìa cành. “Đau đớn lắm, đau đớn chẳng cất thành lời được!”. Đôi mắt toét nhèm của bà đã nhạt nhòa dòng lệ.

Theo câu chuyện bập bõm của bà thì con gái bà Mười là bà Phùng Thị Thịnh lấy chồng đất khách. Bởi cảnh quê chồng khó làm ăn, nên vợ chồng bà Thịnh về làng Vân Gia lập nghiệp. Trước đây, gia đình bà ở dưới làng, chung với nhà vợ nhưng bởi ở đó chật chội sau nhiều năm lặn lội làm ăn, vợ chồng bà Thịnh đã mua được miếng đất trên sườn đồi chùa này và chuyển hẳn nhà lên đây từ năm 1982.

Người làng chẳng ai thích ở thế chênh vênh ấy, lại thêm việc kiêng kỵ khi “xâm lấn” vào đất nhà chùa nên việc gia đình chuyển lên đây, ai cũng ngăn, cũng cản. Thế nhưng, bởi không thể chịu được cảnh chật chội nên con bà vẫn nhất quyết di dời. Ông Thắng, con rể bà là người vô thần vô thánh. Ông bảo, dân làng cứ sợ hão, ông đi khắp nơi mà nào đã thấy thánh thần, ma quỷ bao giờ. Thế nhưng, bà thì nghĩ khác. Không cản được con nhưng bà đã linh cảm thấy có điều gì không ổn. Và, linh cảm đó đã đúng khi ngay lập tức nhà bà có chuyện.

Bà có 3 người con, thế nhưng hai người con đầu đều lần lượt bỏ bà đi trước. Cách đây gần chục năm, hôm anh con trai chết, bởi muốn giấu nên họ hàng đã đưa bà ra đồi chùa ở nhà con gái. Bà Thịnh, con gái bà có 4 người con, 2 trai hai gái. Chị Quế Anh là con cả, trời không thương sinh ra chẳng vẹn người, chân tay khòng khèo, đi lại khó khăn. Những đứa em sau may mắn không giống chị.

Làng vướng vào kiếp nạn, nhà chị cũng chẳng thoát. Người đầu tiên trong gia đình chị phải hứng chịu sự trừng phạt của “thánh thần” (theo như lời của dân làng) chính là mẹ chị. Bà mất đầu năm 2007 khi mới 63 tuổi. Hôm ấy, khi đi làm về, tự nhiên bà thấy đau đầu nên lên giường nghỉ. Nghĩ là mẹ mệt nhẹ nên mấy anh chị chỉ hỏi thăm qua loa, nào ngờ khi mời bà ra ăn cơm thì bà đã lịm đi không dậy nữa. Năm sau, lại đến em kế chị, anh Đỗ Xuân Quang từ giã cõi đời. Cái chết của anh Quang đã làm gia đình chết điếng.

Ám ảnh những phận người ở 'làng thánh vật ngày 22'

Cụ Mười và cô cháu gái không nén được nỗi buồn khi kể về gia cảnh thương tâm của mình.

Năm 2008, vào tháng 5 âm, đúng ngày định mệnh 22 âm lịch, ngày mà ở làng thể nào cũng có người chết, dù cũng đứng ngồi không yên như bao gia đình khác ở đây, thế nhưng việc ấy chẳng có ích gì. Nói như lời chị Quế Anh thì sống chết trời đã sắp đặt, không cản được. Chỉ một cơn cảm lạnh ngắn ngủi, em trai chị đã trút hơi thở cuối cùng mà chẳng có lấy một lời trăn trối. Anh Quang đi một cách nhẹ nhàng giống hệt như người mẹ của mình.

Mẹ chết, em chết liền trong 2 năm, choáng váng, trống trải, suốt một thời gian dài sau đó những thành viên trong gia đình chị chẳng thiết làm ăn gì. Mọi người cứ lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau chất ngất. Thế nhưng, tai ương vẫn chưa chịu buông tha cho gia đình đã có quá nhiều mất mát của chị. Đầu năm nay, khi mới hơn 70 tuổi, bố chị lại đột ngột ra đi.

Trong tiếng nấc ứ nghẹn, chị Quế Anh kể lại nỗi đau tột cùng mà gia đình mình lần thứ ba gánh chịu. Bố chị mất chỉ sau 2 ngày ốm. Đang lao động bình thường, tự dưng ông kêu mệt rồi nằm bẹp một chỗ. Đưa đi viện thì biết ông bị suy thận nặng. Từ bệnh viện Sơn Tây, các bác sĩ chuyển ông về Hà Nội. Thế nhưng, ở thủ đô được một ngày thì gia đình phải đưa ông về khi ông đã lìa trần. “Có lẽ bố tôi thấy khó ở lâu rồi nhưng bởi sợ các con lo lắng nên ông không dám nói!”. Lau nước mắt, chị Quế Anh nghẹn ngào.

Theo lời bà Chu Thị Hòa, Bí thư chi bộ thôn 6 thì thời gian đó, những gia đình “dính” “thảm họa kép” ở làng nhiều lắm. Ngay đối diện nhà bà là nhà ông Phùng Văn Tùng, 61 tuổi. Chỉ trong 2 ngày, gia đình ông Tùng phải đón nhận 2 tin dữ. Hôm trước thì con trai ông, anh Phùng Văn Tiến bỗng dưng bị tai nạn xe máy, chấn thương sọ não, giờ sống thực vật, nằm một chỗ. Ngày hôm sau thì em ruột ông, ông Phùng Văn Chí trèo dừa, ngã chết bất đắc kỳ tử.

Nhìn thân hình gần như bất động của Tiến trên chiếc giường sộc lên mùi khăm khẳm, dù rất đau lòng nhưng chúng tôi cũng không giấu nổi sự sợ hãi. Gương mặt méo mó biến dạng, hàm thụt hẳn vào trong, chân tay còng queo, miệng ú ớ chảy đầy rãi rớt. “Nó cứ thế, chẳng biết lúc nào là tỉnh là mê”, ông Tùng thở dài.

Ông Tùng có 2 người con, Tiến là con cả, sinh năm 1989. Học xong phổ thông, Tiến đi bốc hàng thuê cho một gia đình có xe tải chuyên chở hàng tạp hóa. Tiến theo xe đi suốt chẳng mấy khi về nhà. Hôm ấy, xe hỏng, Tiến được chủ xe cho nghỉ. Hôm đó ở nhà, trưa đó, theo lịch thì Tiến mời đám bạn cùng xóm về nhà tụ tập ăn cơm, uống rượu. Đang ngồi nhà đợi bạn thì đứa em họ sang rủ Tiến sang xã bên mua gà chọi. Vơ cái áo, Tiến gọi với xuống bếp dặn bố là chỉ đi nửa tiếng rồi về.

Con đi được chừng 20 phút thì ông ở nhà đứng ngồi không yên. Chẳng ốm đau gì mà khi ấy ông cứ hắt hơi liên tục. Càng sốt ruột hơn khi cứ vài phút, người em chú của ông, người đã cho anh em Tiến mượn xe máy ở cạnh đó cứ chạy sang hỏi Tiến đã về chưa, sao đi lâu thế!? Linh tính có việc chẳng lành đã xảy ra với con mình, bỏ việc cơm nước, ông ra cổng ngóng con. Khi ấy, làng đã rộ lên tin đồn thần thành nổi giận bắt người, nghĩ tới chuyện đó, ông rùng mình sợ hãi. Càng hoảng hốt hơn khi mấy đêm trước, chiêm bao, ông thấy con mình bị tai nạn. Một tai nạn thảm khốc, con ông chết rất thương tâm.

Đang hoang mang với những ý nghĩ khiếp đảm đó thì có tiếng người gọi thất thanh khiến ông choàng tỉnh. Người gọi ông là bà Hòa, bí thư chi bộ, nhà ngay đối diện. “Ông Tùng ơi! Ông Tùng ơi! Ông ra viện ngay, thằng Tiến bị ngã xe nặng lắm!”. Thì ra khi Tiến bị tai nạn, biết cậu ở thôn 6, người ta đã gọi điện về nhà bà Hòa để thông báo. Vớ vội chiếc áo, ông ú ớ lao ra cửa.

Ám ảnh những phận người ở 'làng thánh vật ngày 22'

Lên viện thì con mình và đứa cháu đã bất tỉnh. Thân thể hai đứa chỉ bị xây xát nhẹ nhưng phần đầu, mặt thì thương tích nặng. Sau một thời gian cứu chữa, các bác sĩ kết luận rằng Tiến chẳng thể hồi phục như trước. Giữ được mạng sống nhưng đời cậu mãi mãi phải gắn liền với chiếc giường theo kiểu thực vật. Không chấp nhận sự thật đau đớn ấy, ông đã đưa con đi khắp các bệnh viện ở trung ương để lo thuốc thang chạy chữa. Thế nhưng, bồng bế nhau đi cả đến cả chục lần mà con ông vẫn vậy. Vẫn nằm bẹp trên giường, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải cạy nhờ người giúp. “Nhiều lúc mớm cơm cho con mà ứa nước mắt các anh ạ! Nuôi nó đến tuổi này rồi mà giờ nó lại chẳng khác gì đứa trẻ lên ba!”. Ông Tiến sụt sùi than thở.

Cả chục lần đi viện, giờ lại lo thuốc thang thường xuyên để duy trì cơ thể “sống chỉ là tồn tại” của con mình, vợ chồng ông Tiến nợ nần chồng chất. Vợ ông, bà Luận, bán hương hoa ở cổng đền Và thu nhập cũng chẳng được là bao lại thất thường nay chăng mai chớ. Nhiều lúc ông cũng muốn đi làm thuê để “giảm tải” gánh nặng nợ nần, giúp vợ thêm thắt nuôi con nhưng không thể. Tiến cần có người ở bên chăm sóc.

“Bây giờ còn sức còn chăm nó được chứ sau này mình già, nói dại nhỡ mình chết trước nó thì chẳng biết ra sao!”. Nghĩ đến tương lai, ông Tiến thở dài ngao ngán.

LÊ TRANG

Theo Bưu Điện Việt Nam



0 Responses to "Ám ảnh những phận người ở 'làng thánh vật ngày 22'"

Đăng nhận xét

 

Tổng số lượt xem trang

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by Rao Vặt Việc làm