RSS

‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa


‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa

Đàn ông con trai đeo bùa hình vuông, đàn bà đeo bùa hình bát giác. Những lá bùa ấy đều được hòa thượng Thích Phúc Trí làm phép rồi phân phát cho dân làng. Trong những tháng ngày "đen tối" ấy, lá bùa đã giúp cho người dân vững tâm hơn nhiều.


Chuyện “yểm bùa” kỳ lạ

Chân tơ kẽ tóc chuyện “thánh thần nổi giận” ở làng Vân Gia thì ai cũng tỏ tường, tuy nhiên, ít người dám nói. Bởi thế, mọi người đã giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Sơn. Ông Sơn đang làm chủ lễ ở đền Và cũng là người theo câu chuyện này từ đầu chí cuối.

Theo lời ông Sơn, khi thảm họa xảy ra, (theo con số mà ông Sơn cung cấp thì chỉ trong vòng mấy tháng cuối năm 2007, đầu năm 2008, cả làng đã có cả thảy gần 50 người chết) nên dân làng đã mạnh ai người ấy đi “xem bói” để tìm cách cứu mình, cứu gia đình mình. Điều lạ kỳ là tất cả các thầy đều phán đất làng bị động. Thế nhưng động ở đâu, vì sao động thì chẳng ai biết. Hoảng hốt, mọi người mới viện cầu đến người cao tuổi, những tiên chỉ của làng.

Ông Sơn kể, khi ấy, là trưởng ban người cao tuổi của làng, ông cũng hết sức bối rối. Chuyện tâm linh người tin người không, chẳng biết thế nào mà chiều cho kín nhẽ. Thế nhưng, trước những cái chết bí hiểm trên, như người mang trọng bệnh, phải tìm thuốc tìm thày, bất kể đó là thuốc gì. Dân làng thì bởi quá sợ hãi nên bất cứ ai đưa giải pháp gì cũng đều đồng thuận nghe theo.

Tuy nhiên, tìm đủ mọi cách cũng không làm “ngày 22 đen tối” chấm dứt. Đúng lúc ấy, người trong làng truyền tai nhau về sư cụ Thích Phúc Trí, chủ trì chùa Mễ Trì Thượng, Hà Nội là người tài giỏi, “cao tay”, đã từng giúp nhiều nơi giảm trừ hậu họa.

Như người chết đuối vớ được cọc, chẳng phải bàn tính nhiều, ngay lập tức ông và mấy cụ chức sắc trong làng vội vàng kinh lý về Hà Nội. Chờ đợi mãi thì cũng được diện kiến cao tăng. Có một chuyện lạ lùng mà đến giờ ông Sơn vẫn chẳng biết lý giải thế nào. Khi mở cửa mời ông và mọi người vào thư phòng của hòa thượng, dù chưa một lần gặp nhưng chú tiểu dẫn đường đã buột miệng hỏi: “Các bác từ Sơn Tây xuống?”. Câu hỏi bất ngờ ấy khiến ông và mọi người giật mình. “Vâng, sao thầy biết? Sao thầy biết rõ vậy?”. Trước câu hỏi đầy sự kinh ngạc của ông, chú tiểu chỉ đáp: “Trụ trì bảo tôi ra đón khách Sơn Tây thì tôi biết vậy thôi!”.

Tuy nhiên, cầu viện thế nào sư cụ Thích Phúc Trí khi ấy đã 91, 92 tuổi, cũng không đồng ý về làng. Cụ chỉ phán “Hậu họa còn tái diễn, còn nhiều người chết nữa”.

Chỉ ít ngày sau đó, lại thêm một cái chết bi thương nữa xảy ra. Lúc này, gặp bất cứ trắc trở gì mọi người đều cho là thần thánh trả thù. Có người bị bệnh quặt quẹo suốt mấy năm nhắm mắt xuôi tay mọi người cũng cho rằng người đó đã bị thần linh rước đón. Họ lý sự rằng, sao suốt mấy năm qua, đã mấy bận người ấy tưởng đi mà vẫn qua được, giờ mới chết thì phải có một nguyên do mơ hồ nào đó. Thậm chí, khi bị cảm cúm, ốm vặt, bởi quá sợ hãi, nhiều người đã quên cả việc dùng thuốc thông thường. Họ cứ cuống cuồng thắp hương, cuống cuồng lễ khấn để mong mình không bị thần thánh gọi tên.

Đúng như những gì cao tăng Thích Phúc Trí đã nói, chỉ sau hai tháng được sống trong yên lành thì chuyện khủng khiếp trên lại xảy ra. Chuyện khổ đau mất mát ấy lại được chính cao tăng thông báo. Ông Sơn kể, đầu tháng giêng, chính ông nhận được lời cảnh báo từ vị hòa thượng đáng kính ấy. Gọi điện cho ông, cao tăng bảo, dân làng chuẩn bị tinh thần, lại sắp có chuyện chẳng lành xảy ra. Nghe điện, ông đã cố gặng hỏi xem tai họa cụ thể thế nào, có cách nào tránh được không, thế nhưng, cao tăng đã vội cúp máy.

‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa
‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa

Ông Sơn, Trưởng ban người cao tuổi làng Vân Gia.

Nhận được lời cảnh báo ấy, ông đã định không nói với ai bởi sợ mọi người hoang mang, hoảng loạn. Thế nhưng, nghĩ kỹ thì nên nói với mọi người vì biết đâu, khi đã cẩn trọng trong đi lại, sinh hoạt thì sẽ qua được mệnh trời. Đúng như ông nghĩ, sau khi biết tin đó, mọi người đã vô cùng sợ hãi. Chẳng ai bảo ai nhưng tất cả những việc làm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng đều tạm thời dừng lại. Ra đường, ai cũng trông trước ngó sau và tránh xa những phương tiện có thể gây thương vong tới mình. Nín thở chờ đợi, nín thở lo sợ.

Nhưng rồi, tất cả sự cẩn trọng, cảnh giác của mọi người cũng chẳng thể xua đuổi được chuyện kinh hãi chẳng ai muốn ấy. Như đã nói, ngày 22 âm lịch, một thanh niên ở thôn 8 bất ngờ bị tai nạn xe máy, một phần sống chín phần chết. Ngày 23, ông Phùng Văn H, bỗng dưng lăn ra chết sau khi đi tập thể dục buổi sáng về. Ngày 24 tháng sau, cậu thanh niên bị tai nạn xe máy cũng không qua khỏi.

"Sau những cái chết kinh dị đó, không còn chỗ bấu víu, tôi lại được giao nhiệm vụ xuống Hà Nội cậy nhờ cao tăng Thích Phúc Trí. Chuyến đi ấy, tôi và mọi người trong đoàn đã phủ phục ở chùa như người… ăn vạ. Và may mắn, cao tăng đã nhận lời về làng trừ họa", ông Sơn kể.

"Về tới đầu làng thì mọi người ra đón đông nghịt. Trước lúc đi, cao tăng có nói chỉ làm trong nửa giờ là phải trở về Hà Nội ngay nên khi tới nơi, ngài bắt tay ngay vào việc. Theo lời cao tăng thì ngài sẽ ấn long mạch chìm sâu thêm xuống 7 tầng đất nữa.

Dân làng quây kín xung quanh dõi theo từng biến động trên nét mặt của ngài. Khi ngài vừa trừng mắt thì kỳ lạ thay, gió bỗng nổi lên, mây đen không biết từ đâu ùn ùn kéo tới. Gió thổi mạnh tới nỗi người đứng trên đồi như xiêu như vẹo. Thế nhưng, kinh ngạc thay, khi cao tăng vừa thu mình ngồi xuống chiếu thì gió lại ngưng, mây cũng tan đâu hết. Ngồi chắp bắt khuyết một lát thì cao tăng quay về mặt về phía tôi khẽ gật đầu, ý là việc đã xong. Khi mọi người xúm vào đỡ cao tăng dậy thì nét mặt ngài đã thư thái, khoan nhẹ như lúc bình thường. Mọi người nhanh chóng đưa ngài trở về nhà thờ tổ của chùa Vân Gia ở ngay gần đó".

Theo ông Sơn, từ khi mời được cao tăng Thích Phúc Trí lên ra tay trừ họa, (khoảng đầu tháng 5/2009) thì mọi việc có vẻ tạm yên. Không còn những cái chết bất ngờ, và đặc biệt tai họa cũng không tìm đến vào “ngày đen đủi” 22 âm lịch hằng tháng nữa.

Cả làng đeo bùa chú

Chỉ cho chúng tôi xem những lá bùa chú được dán khắp các góc nhà, vẫn giọng thểu não, rầu rầu, ông Phùng Văn Tuấn, trưởng thôn 8 bảo, ở làng, hầu như nhà nào cũng phải dán bùa để trừ tà, đặc biệt là những gia đình từng có người bị thần chết bắt đi.

‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa

Bùa cầu an luôn theo ông Tuấn mỗi dịp đi xa.

‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa

Các cháu bé cũng mang trên mình bùa cầu an.

‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa

Theo bà Chu Thị Hòa, lá bùa này giúp bà vững tâm hơn nhiều sau "đại họa" của làng.

Ông Tuấn từng phục vụ trong quân ngũ, đặc biệt lại là ngành tuyên huấn nên trước đây, ông chẳng tin chuyện ma mãnh, quỷ thần hại người. Thế nhưng, với những chuyện rùng rợn đã diễn ra, tận mắt chứng kiến, tận thấy nỗi đau mất người khía vào gan ruột thì dường như ông đã thay đổi quan điểm. Bằng chứng là lúc nào trên túi áo ngực của ông cũng có bùa hộ thân. Lá bùa ấy ông gói ghém cẩn thận và để trong túi ni lông cho vững tâm.

Theo ông Tuấn, dân làng Vân Gia sau kiếp nạn kinh hãi đó, dù đã xảy ra cách 2 năm trời nhưng giờ hầu như ai cũng đeo bùa cầu an. Người cầu kỳ thì dùng lễ xin bùa giấy, người không có điều kiện thì đeo bùa bằng bạc ở cổ với hình thù khác nhau tùy theo giới tính. Theo đó thì đàn ông con trai đeo bùa hình vuông, đàn bà đeo bùa hình bát giác. Trên những lá bùa bé bằng đầu ngón tay đó đều có dập chìm chữ Tàu và hầu như dân làng chẳng ai rõ những chữ ấy ý nghĩa thế nào, tuy nhiên, khi đeo nó ai cũng cảm thấy an lòng hơn.

(Kỳ cuối: Ý kiến chuyên gia: "Có lẽ chỉ là sự trùng hợp")

TRANG LÊ

Theo Bưu Điện Việt Nam



0 Responses to "‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa"

Đăng nhận xét

 

Tổng số lượt xem trang

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by Rao Vặt Việc làm