RSS

Xôn xao ngôi nhà làm bằng gỗ sưa có giá 50 tỷ đồng

0 nhận xét

Xôn xao ngôi nhà làm bằng gỗ sưa có giá 50 tỷ đồng

Mua khung nhà từ một người bạn với giá 350 triệu đồng, ông Bình cho thợ dựng lên trong vườn nhà mình ở Bắc Giang. Lúc thi công, thợ phát hiện ra căn nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ sưa đỏ. Có người đã tìm đến trả giá 50 tỷ đồng.

Thời gian gần đây người dân TP. Bắc Giang bàn tán xôn xao về ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ Sưa Đỏ rất quý hiếm. Chủ nhân của ngôi nhà trên là ông Khổng Trọng Bình, thường trú tại phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang.

Trước những thông tin chưa rõ ràng về ngôi nhà gỗ Sưa có giá lên tới mấy chục tỷ đồng, chúng tôi đã tìm về số nhà 100 đường Nguyễn Văn Cừ, phường Lê Lợi, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang để được nhìn tận mắt. Dễ nhận thấy đây là ngôi nhà ba gian làm bằng gỗ, thiết kế khá cầu kỳ được chủ nhân dựng trong mảnh vườn nhỏ núp sau những ngôi nhà cao tầng.

Ngôi nhà được trang trí, chạm trổ nhiều hoạ tiết, hoa văn tinh tế với 24 cây cột trước sau đều tăm tắp, trên mỗi cây cột hiện lên đường vân uốn lượn như những mảng mây huyền ảo, bồng bềnh.

Xôn xao ngôi nhà làm bằng gỗ sưa có giá 50 tỷ đồng

Toàn cảnh ngôi nhà đang gây xôn xao ở tỉnh Bắc Giang

Hai đầu của cây xà vượt được chạm trổ thành hình đầu rồng hướng về hai bên, ngoài ra còn rất nhiều hoa văn tinh xảo được bố trí hài hòa tạo nên vẻ đẹp hoài cổ. Tất cả đều toát một màu đen ánh hồng, khi mới bước vào có thể cảm nhận được mùi hương gỗ lan toả nhè nhẹ trong không gian.

Theo ông Khổng Trọng Bình, chủ nhân của ngôi nhà thì trước đó ông có đi tìm mua một ngôi nhà gỗ về để làm nhà thờ tổ nhưng đi tìm nhiều nơi và cũng xem nhiều kiểu nhà mà chưa ưng cái nào.

Tình cờ vào cuối năm 2010, một người bạn ở thành phố Bắc Giang tâm sự muốn bán căn nhà gỗ mới mua từ Hà Tĩnh về định để ở nhưng khi dựng lên thì quá nhỏ so với diện tích miếng đất nên quyết định bán để mua căn nhà khác.

Xôn xao ngôi nhà làm bằng gỗ sưa có giá 50 tỷ đồng

Ông Khổng Trọng Bình đang kể về những chi tiết độc đáo của ngôi nhà

Theo lời giới thiệu của người bạn thì đây là căn nhà làm bằng gỗ lim vững chãi, thiết kế tinh tế, được dựng từ cách đây vài trăm năm. Trước những lời đề nghị của người bạn ông Bình đồng ý mua ngôi nhà với giá 350 triệu.

Tháng 3/2011, ông mới chở gỗ về và cho người vệ sinh sạch sẽ trước khi dựng. Điều ngạc nhiên là sau khi cho người cạo rửa để chuẩn bị dựng thì gỗ chuyển từ màu đen sang màu đen hồng và toả ra mùi thơm. Tốp thợ cho rằng đây không phải là gỗ lim mà nghi là gỗ sưa.

Câu chuyện trên đã nhanh chóng lan truyền, trở thành sự việc gây xôn xao dư luận. Hàng ngày, có khá nhiều người hiếu kỳ kéo đến xem ngôi nhà còn nhiều bí ẩn. Trong số những người đến xem có một vị khách tự xưng là thợ gỗ ở Đồng Kỵ - Bắc Ninh đến ngắm nghía kỹ càng, tỉ mỉ từng chi tiết sau đó quyết định trả giá 50 tỷ nhưng ông Bình không bán.

Xôn xao ngôi nhà làm bằng gỗ sưa có giá 50 tỷ đồng

Những nét hoa văn tinh xảo được chạm khắc trên khung của ngôi nhà

Chính ông Bình cũng ngạc nhiên về giá trị thực của ngôi nhà. Ông kể lại: “Ban đầu khi mới mua về tôi cứ nghĩ là gỗ lim chứ không biết gì cả, đến khi cho thợ rửa sạch sẽ để chuẩn bị dựng thì mới phát hiện và tôi rất bất ngờ với giá trị ngôi nhà nhưng đây là ngôi nhà tôi ưng ý nhất từ trước đến nay nên dù ai có trả giá cao như thế nào tôi cũng không bán".

Còn cụ Khổng Văn Ngọc, bố ông Bình, người trực tiếp ở trong ngôi nhà này cho hay: "Khi mới mua về nhìn bộ cột tôi đã thấy thích, đến lúc dựng, ghép các phần lại tôi càng thấy ưng. Lúc vào ở, trong nhà lúc nào cũng có mùi hương của gỗ thoang thoảng bay làm cho tinh thần những người già như tôi cảm thấy thoải mái và dễ chịu. Còn giá trị thì tôi chịu. Anh Bình mua nên anh ấy có quyền quyết định, tôi chỉ thấy đây là ngôi nhà đẹp".

Xôn xao ngôi nhà làm bằng gỗ sưa có giá 50 tỷ đồng

Đường vân uốn lượn huyền ảo, trên cột của ngôi nhà

Theo ông Bình, chất liệu kết cấu của ngôi nhà được làm hoàn toàn bằng gỗ Sưa, từ những chiếc đũa nhỏ được trang trí trên cửa cho đến những cây cột lớn trong nhà.

Dù đã hơn 100 năm nhưng chân cột vẫn y nguyên, không hề có dấu hiệu bào mòn của thời gian, mặc cho người chủ trước của ngôi nhà bỏ lay lắt ngoài mưa nắng mà không bảo quản.

Một số người nhận định, đây là ngôi nhà của một vị quan hay một người địa chủ giàu có ngày trước để lại, nó đã qua tay nhiều người mà không ai phát hiện ra giá trị thực của nó, cho khi đến tay ông Bình.

Ngoài những đường nét hoa văn đặc trưng tinh xảo biểu lộ bên ngoài, quan sát kỹ chúng tôi còn phát hiện ra hai dòng chữ Hán Nôm được khắc trên khung nhà, ở giữa hai dòng chữ là một hình tròn được vẽ theo thuật phong thủy.

Xôn xao ngôi nhà làm bằng gỗ sưa có giá 50 tỷ đồng

Chữ Hán-Nôm được khắc trên khung của ngôi nhà

Khi hỏi ông Bình về ý nghĩa của dòng chữ, ông cười và lắc đầu. Ông cho biết: Lúc dựng nhà phát hiện dòng chữ đã có người đem sự việc và những hình ảnh này tìm đến ông Nguyễn Văn Phong, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh, người chuyên nghiên cứu về Hán Nôm. Sau khi tra cứu các phần họa tiết trang trí, đồng thời dịch hai dòng chữ nho được khắc trên nóc nhà, ông Phong khẳng định: "Ngôi nhà được làm năm Kỷ Mùi - 1919, chứ không phải cách đây 2-3 trăm năm" như lời đồn thổi.

Không biết ngôi nhà có được làm hoàn toàn bằng gỗ Sưa Đỏ như nhận định của nhiều người hay không. Đến nay vẫn chưa có kết luận chính thống của các cơ quan chức năng. Lời đồn thổi càng ngày càng lan rộng và nhiều người sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn để được sở hữu ngôi nhà còn chứa đựng không ít bí ẩn này.

XỨ LẠNG

Theo Bưu Điện Việt Nam

Continue Reading...


Ám ảnh những phận người ở 'làng thánh vật ngày 22'

0 nhận xét

Ám ảnh những phận người ở 'làng thánh vật ngày 22'

Cho đến tận bây giờ, ở những gia đình có người thọ nạn ấy, chuyện khủng khiếp trên vẫn còn là nỗi ám ảnh kinh hoàng…


Trong những tháng ngày kinh hoàng tại làng Vân Gia, Thị xã Sơn Tây, Hà Nội, rất nhiều người đã bỏ mạng. Điều kinh hãi là những cái chết thường trùng lặp vào ngày 22, 23 âm lịch. Người chết thì đã chết, câu chuyện rùng rợn cũng đã dần qua, tuy nhiên, đối với những người còn sống, "đại nạn" ấy vẫn là nỗi ám ảnh khôn nguôi.

Ông Phùng Văn Tuấn, Trưởng thôn 8 bảo, ở làng Vân Gia có rất nhiều những gia đình đang sống rất vất vả bởi mất đi lao động chính trong nhà. Tang thương nhất là gia đình cụ Phùng Thị Mười, ở thôn 6. Chỉ trong 4 năm, gia đình cụ Mười đã phải chịu 3 cái tang. Con gái, con rể, rồi cháu trai cụ lần lượt kéo nhau về nơi chín suối với những cái chết rất đỗi lạ lùng.

Ám ảnh những phận người ở 'làng thánh vật ngày 22'

4 năm, 3 cái chết khiến gia đình bà Mười lao đao.

Bà Mười năm nay đã bước sang tuổi 90. Bà bảo, trời cho sống mà chẳng được sung sướng. Nhà neo người, bà phải gửi tuổi già vào cô con gái. Ấy thế mà cũng chẳng yên thân, mấy năm cuối đời chờ gió đưa về trời, thì lại gặp cảnh lá vàng chưa rụng lá xanh đã vội lìa cành. “Đau đớn lắm, đau đớn chẳng cất thành lời được!”. Đôi mắt toét nhèm của bà đã nhạt nhòa dòng lệ.

Theo câu chuyện bập bõm của bà thì con gái bà Mười là bà Phùng Thị Thịnh lấy chồng đất khách. Bởi cảnh quê chồng khó làm ăn, nên vợ chồng bà Thịnh về làng Vân Gia lập nghiệp. Trước đây, gia đình bà ở dưới làng, chung với nhà vợ nhưng bởi ở đó chật chội sau nhiều năm lặn lội làm ăn, vợ chồng bà Thịnh đã mua được miếng đất trên sườn đồi chùa này và chuyển hẳn nhà lên đây từ năm 1982.

Người làng chẳng ai thích ở thế chênh vênh ấy, lại thêm việc kiêng kỵ khi “xâm lấn” vào đất nhà chùa nên việc gia đình chuyển lên đây, ai cũng ngăn, cũng cản. Thế nhưng, bởi không thể chịu được cảnh chật chội nên con bà vẫn nhất quyết di dời. Ông Thắng, con rể bà là người vô thần vô thánh. Ông bảo, dân làng cứ sợ hão, ông đi khắp nơi mà nào đã thấy thánh thần, ma quỷ bao giờ. Thế nhưng, bà thì nghĩ khác. Không cản được con nhưng bà đã linh cảm thấy có điều gì không ổn. Và, linh cảm đó đã đúng khi ngay lập tức nhà bà có chuyện.

Bà có 3 người con, thế nhưng hai người con đầu đều lần lượt bỏ bà đi trước. Cách đây gần chục năm, hôm anh con trai chết, bởi muốn giấu nên họ hàng đã đưa bà ra đồi chùa ở nhà con gái. Bà Thịnh, con gái bà có 4 người con, 2 trai hai gái. Chị Quế Anh là con cả, trời không thương sinh ra chẳng vẹn người, chân tay khòng khèo, đi lại khó khăn. Những đứa em sau may mắn không giống chị.

Làng vướng vào kiếp nạn, nhà chị cũng chẳng thoát. Người đầu tiên trong gia đình chị phải hứng chịu sự trừng phạt của “thánh thần” (theo như lời của dân làng) chính là mẹ chị. Bà mất đầu năm 2007 khi mới 63 tuổi. Hôm ấy, khi đi làm về, tự nhiên bà thấy đau đầu nên lên giường nghỉ. Nghĩ là mẹ mệt nhẹ nên mấy anh chị chỉ hỏi thăm qua loa, nào ngờ khi mời bà ra ăn cơm thì bà đã lịm đi không dậy nữa. Năm sau, lại đến em kế chị, anh Đỗ Xuân Quang từ giã cõi đời. Cái chết của anh Quang đã làm gia đình chết điếng.

Ám ảnh những phận người ở 'làng thánh vật ngày 22'

Cụ Mười và cô cháu gái không nén được nỗi buồn khi kể về gia cảnh thương tâm của mình.

Năm 2008, vào tháng 5 âm, đúng ngày định mệnh 22 âm lịch, ngày mà ở làng thể nào cũng có người chết, dù cũng đứng ngồi không yên như bao gia đình khác ở đây, thế nhưng việc ấy chẳng có ích gì. Nói như lời chị Quế Anh thì sống chết trời đã sắp đặt, không cản được. Chỉ một cơn cảm lạnh ngắn ngủi, em trai chị đã trút hơi thở cuối cùng mà chẳng có lấy một lời trăn trối. Anh Quang đi một cách nhẹ nhàng giống hệt như người mẹ của mình.

Mẹ chết, em chết liền trong 2 năm, choáng váng, trống trải, suốt một thời gian dài sau đó những thành viên trong gia đình chị chẳng thiết làm ăn gì. Mọi người cứ lặng lẽ gặm nhấm nỗi đau chất ngất. Thế nhưng, tai ương vẫn chưa chịu buông tha cho gia đình đã có quá nhiều mất mát của chị. Đầu năm nay, khi mới hơn 70 tuổi, bố chị lại đột ngột ra đi.

Trong tiếng nấc ứ nghẹn, chị Quế Anh kể lại nỗi đau tột cùng mà gia đình mình lần thứ ba gánh chịu. Bố chị mất chỉ sau 2 ngày ốm. Đang lao động bình thường, tự dưng ông kêu mệt rồi nằm bẹp một chỗ. Đưa đi viện thì biết ông bị suy thận nặng. Từ bệnh viện Sơn Tây, các bác sĩ chuyển ông về Hà Nội. Thế nhưng, ở thủ đô được một ngày thì gia đình phải đưa ông về khi ông đã lìa trần. “Có lẽ bố tôi thấy khó ở lâu rồi nhưng bởi sợ các con lo lắng nên ông không dám nói!”. Lau nước mắt, chị Quế Anh nghẹn ngào.

Theo lời bà Chu Thị Hòa, Bí thư chi bộ thôn 6 thì thời gian đó, những gia đình “dính” “thảm họa kép” ở làng nhiều lắm. Ngay đối diện nhà bà là nhà ông Phùng Văn Tùng, 61 tuổi. Chỉ trong 2 ngày, gia đình ông Tùng phải đón nhận 2 tin dữ. Hôm trước thì con trai ông, anh Phùng Văn Tiến bỗng dưng bị tai nạn xe máy, chấn thương sọ não, giờ sống thực vật, nằm một chỗ. Ngày hôm sau thì em ruột ông, ông Phùng Văn Chí trèo dừa, ngã chết bất đắc kỳ tử.

Nhìn thân hình gần như bất động của Tiến trên chiếc giường sộc lên mùi khăm khẳm, dù rất đau lòng nhưng chúng tôi cũng không giấu nổi sự sợ hãi. Gương mặt méo mó biến dạng, hàm thụt hẳn vào trong, chân tay còng queo, miệng ú ớ chảy đầy rãi rớt. “Nó cứ thế, chẳng biết lúc nào là tỉnh là mê”, ông Tùng thở dài.

Ông Tùng có 2 người con, Tiến là con cả, sinh năm 1989. Học xong phổ thông, Tiến đi bốc hàng thuê cho một gia đình có xe tải chuyên chở hàng tạp hóa. Tiến theo xe đi suốt chẳng mấy khi về nhà. Hôm ấy, xe hỏng, Tiến được chủ xe cho nghỉ. Hôm đó ở nhà, trưa đó, theo lịch thì Tiến mời đám bạn cùng xóm về nhà tụ tập ăn cơm, uống rượu. Đang ngồi nhà đợi bạn thì đứa em họ sang rủ Tiến sang xã bên mua gà chọi. Vơ cái áo, Tiến gọi với xuống bếp dặn bố là chỉ đi nửa tiếng rồi về.

Con đi được chừng 20 phút thì ông ở nhà đứng ngồi không yên. Chẳng ốm đau gì mà khi ấy ông cứ hắt hơi liên tục. Càng sốt ruột hơn khi cứ vài phút, người em chú của ông, người đã cho anh em Tiến mượn xe máy ở cạnh đó cứ chạy sang hỏi Tiến đã về chưa, sao đi lâu thế!? Linh tính có việc chẳng lành đã xảy ra với con mình, bỏ việc cơm nước, ông ra cổng ngóng con. Khi ấy, làng đã rộ lên tin đồn thần thành nổi giận bắt người, nghĩ tới chuyện đó, ông rùng mình sợ hãi. Càng hoảng hốt hơn khi mấy đêm trước, chiêm bao, ông thấy con mình bị tai nạn. Một tai nạn thảm khốc, con ông chết rất thương tâm.

Đang hoang mang với những ý nghĩ khiếp đảm đó thì có tiếng người gọi thất thanh khiến ông choàng tỉnh. Người gọi ông là bà Hòa, bí thư chi bộ, nhà ngay đối diện. “Ông Tùng ơi! Ông Tùng ơi! Ông ra viện ngay, thằng Tiến bị ngã xe nặng lắm!”. Thì ra khi Tiến bị tai nạn, biết cậu ở thôn 6, người ta đã gọi điện về nhà bà Hòa để thông báo. Vớ vội chiếc áo, ông ú ớ lao ra cửa.

Ám ảnh những phận người ở 'làng thánh vật ngày 22'

Lên viện thì con mình và đứa cháu đã bất tỉnh. Thân thể hai đứa chỉ bị xây xát nhẹ nhưng phần đầu, mặt thì thương tích nặng. Sau một thời gian cứu chữa, các bác sĩ kết luận rằng Tiến chẳng thể hồi phục như trước. Giữ được mạng sống nhưng đời cậu mãi mãi phải gắn liền với chiếc giường theo kiểu thực vật. Không chấp nhận sự thật đau đớn ấy, ông đã đưa con đi khắp các bệnh viện ở trung ương để lo thuốc thang chạy chữa. Thế nhưng, bồng bế nhau đi cả đến cả chục lần mà con ông vẫn vậy. Vẫn nằm bẹp trên giường, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải cạy nhờ người giúp. “Nhiều lúc mớm cơm cho con mà ứa nước mắt các anh ạ! Nuôi nó đến tuổi này rồi mà giờ nó lại chẳng khác gì đứa trẻ lên ba!”. Ông Tiến sụt sùi than thở.

Cả chục lần đi viện, giờ lại lo thuốc thang thường xuyên để duy trì cơ thể “sống chỉ là tồn tại” của con mình, vợ chồng ông Tiến nợ nần chồng chất. Vợ ông, bà Luận, bán hương hoa ở cổng đền Và thu nhập cũng chẳng được là bao lại thất thường nay chăng mai chớ. Nhiều lúc ông cũng muốn đi làm thuê để “giảm tải” gánh nặng nợ nần, giúp vợ thêm thắt nuôi con nhưng không thể. Tiến cần có người ở bên chăm sóc.

“Bây giờ còn sức còn chăm nó được chứ sau này mình già, nói dại nhỡ mình chết trước nó thì chẳng biết ra sao!”. Nghĩ đến tương lai, ông Tiến thở dài ngao ngán.

LÊ TRANG

Theo Bưu Điện Việt Nam

Continue Reading...


Làng quê náo loạn vì tin đồn ‘thánh vật’ chết mấy chục trai đinh

0 nhận xét

Làng quê náo loạn vì tin đồn ‘thánh vật’ chết mấy chục trai đinh

Người dân ở ngôi làng Vân Gia, Sơn Tây, Hà Nội đã phải trải qua những tháng ngày kinh hoàng khi mấy chục người làng bỗng dưng chết bất đắc kỳ tử dù chẳng bệnh tật, ốm đau gì. Người chết thiệt mạng, nhưng người sống cũng run rẩy không yên…

Câu chuyện tôi nghe từ một người bạn người Sơn Tây, hoàn toàn chỉ là tin đồn. Theo lời anh bạn, người dân ở đây đã phải sống trong những ngày tháng kinh hoàng khi đêm đêm nơm nớp không biết khi nào bị quỷ thần lấy mạng. Những cái chết dồn dập, những lời đồn thổi về việc "thánh thần" nổi giận... bắt nguồn từ câu chuyện cách đây đã 3 năm. Nhưng mỗi lần nhắc đến, người dân trong làng lại thảng thốt hoang mang...

Vân Gia là làng cổ, nằm ngay sát đền Và nổi tiếng, thờ thánh Tản. Thật ra cái tên cổ Vân Gia bây giờ không còn được dùng trong các văn bản hành chính nữa bởi từ khi lên phố, làng Vân Gia đã được chia nhỏ ra thành 4 thôn (còn gọi là đội, gồm thôn 5, 6, 7, 8).

Tìm hiểu chuyện đã làm mọi người hoang mang, sợ hãi trên, đến làng cổ này, người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Phùng Văn Tuấn, Trưởng thôn 8. Ông Tuấn từng là sĩ quan quân đội, khi rời quân ngũ về quê, ông tham gia công tác ở nhiều vị trí trong chính quyền địa phương. Nghỉ hưu từ năm 2007, ông được người dân tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Có lẽ, trước khi nhận làm cái chức “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này, ông Tuấn cũng chẳng thể ngờ mình lại phải đối mặt với nhiều nguy nan tới vậy.

Vồn vã pha nước mời khách nhưng khi chúng tôi hỏi đến chuyện "thánh vật thần hành" kia từng gây xôn xao dư luận kia thì bỗng dưng ông khựng lại. Ngập ngừng một hồi thì ông buông một câu cũng đầy vẻ sầu bi ảo não: “Tôi từng làm trong ngành tuyên huấn của quân đội, cùng làm tuyên truyền như anh ấy. Việc xì xào mà anh nghe được là có thật đấy. Tôi là người trong cuộc nên tôi rất biết chuyện này. Chính họ tôi cũng là nạn nhân đây. Có 3 năm mà trong họ chết đến 6 người. Trong số ấy thì 5 người chết trẻ! Kinh hãi lắm!”.

Theo lời ông Tuấn, chuyện khởi nguồn từ năm 2007, đúng khi ông nghỉ hưu, về làm trưởng thôn 8, thôn có ngôi chùa cổ Vân Gia tọa lạc (còn gọi là Viên Quang tự). Ngôi chùa này nằm trong quần thể đền Và nổi tiếng. Chùa Vân Gia nằm trên đỉnh một quả đồi hình bát úp, thế rồng chầu voi phục, bên trái là khu dân cư, bên phải là gò đất nhỏ có đầm nước trong (thủy tụ minh đường).

Chỉ cần phác qua vài nét bề ngoài trên cũng đủ thấy, người xưa đã chọn lựa rất kỹ về mặt phong thủy khi quyết định lấy đất trên làm nơi bái phật. Bởi truyền thống văn hóa lâu đời, bởi sống giữa chốn linh thiêng nên người dân Vân Gia sống hiền hòa, ấm cúng, yên ả từ bao đời nay.

Thế nhưng, thời gian qua, theo ông Tuấn, không hiểu vì lý do gì, tai ương đã liên tiếp trút xuống ngôi làng thanh bình này. Theo ông Tuấn đến bây giờ, người dân Vân Gia vẫn cho rằng nguyên nhân của hàng loạt cái chết bí ẩn khiến mọi người kinh hãi thời gian qua chính là do một số hộ dân trong làng đã đào đất ở gần chùa Vân Gia, khiến long mạch vùng đất thiêng này bị ảnh hưởng.

Và, chính bởi phạm đến “ngài” nên “ngài” trút xuống đầu dân làng cơn lôi đình khủng khiếp. Buồn thảm thay sự kiện đau lòng ấy lại rơi đúng vào thời gian ông làm trưởng thôn. Không biết có phải vì lẽ đó hay vì điều gì nữa mà gia đình, dòng họ ông phải chịu nhiều đắng cay, mất mát.

Theo ông Tuấn thì vào đầu năm 2007, những hộ dân sống ở ven quả đồi nơi chùa Vân Gia tọa lạc đã đào đất phía ta luy dương để bán. Thực ra chuyện đào đất đồi bán đã xuất hiện từ đầu năm 2004, thế nhưng năm 2007, khi địa phương tiến hành xây dựng sân bóng ở ngay cánh đồng đối diện chùa thì việc khoét núi mới diễn ra rầm rộ. Để có đất lấp cánh đồng trũng, người ta đã đào cả vài nghìn xe đất từ đồi chùa. Khi đó, biết việc đào bới trên sẽ phá vỡ cảnh quan vốn tồn tại từ lâu đời của mảnh đồi chùa nhưng chẳng ai có thể ngăn cấm. Những hộ dân trên chỉ “khai thác tài nguyên sẵn có” trên trong phần đất của gia đình mình. Khi sân vận động hoàn thành thì cũng là lúc mảnh đất đồi chùa bị cắt vạt một góc sâu hoắm, chỉ chừa lại một bờ ta luy mỏng như người ta đắp tường rào.

Làng quê náo loạn vì tin đồn ‘thánh vật’ chết mấy chục trai đinh

Ông Tuấn và bản cuốn "sổ tử" do ông ghi chép trong quãng thời gian kinh hoàng.

Ngay khi việc khai thác đất trên được tiến hành, cảnh yên ấm của làng Vân Gia, đặc biệt ở hai thôn 6 và 8 (nơi chùa Vân Gia tọa lạc) đã không còn nữa. Không hiểu vì lý do gì những chuyện tai ương, chết chóc cứ liên tiếp xảy ra. Lúc đầu, dân làng chỉ coi đó là chuyện không may, chuyện thiệt thòi của những gia đình đến thời mạt vận. Thế nhưng, một thời gian sau, số người chết tăng lên đột biến, người này nối tiếp người kia cứ bất thình lình “rủ nhau” về… bên kia thế giới thì mọi người thấy lạ, thấy sợ và cuống cuồng đi tìm lời giải cho những cái chết bí hiểm đó.

Ông Tuấn kể, những ngày đó, dân làng ông nháo nhác như ong vỡ tổ, như kiến vỡ đàn. Trong nỗi đau đớn tột cùng bởi mất người thân còn có nỗi sợ hãi vô hình bởi những cái chết đó mang nhiều bí ẩn với những sự trùng hợp lạ kỳ. Suốt một thời gian dài, cứ đến một ngày cố định dù có giữ gìn, có cẩn trọng tới đâu thì trong làng vẫn phải có một người… “đi”. Những người được “thánh thần”… chỉ mặt gọi tên đó có thể bị tai nạn giao thông, bị tai nạn lao động, thậm chí do sợ hãi chẳng ra khỏi nhà cũng tự dưng lăn quay ra chết. Điều trùng hợp là những người xấu số đó đa phần là con trưởng, trai đinh.

Làng quê náo loạn vì tin đồn ‘thánh vật’ chết mấy chục trai đinh

Mặt tiền chùa Vân Gia.

Thôn 8 khi đó có hơn 200 hộ, thế nhưng từ nửa cuối năm 2007 đến giữa năm 2008 có tới hơn chục người chết và tính tới thời điểm hiện tại thì số người nhắm mắt xuôi tay đã là 25 người. Theo ông Tuấn thì từ trước đến nay chưa có khi nào làng có đông người chết đến vậy.

Người làng vốn gắn bó, hễ nhà ai có việc lớn nhỏ thì tất thảy mọi người đều xắn tay vào giúp. Thêm nữa, là trưởng thôn, ông Tuấn có trách nhiệm đứng ra tổ chức ma chay cho người xấu số. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông Tuấn bảo, việc ấy khiến ông vô cùng mệt mỏi. Đám này chưa xong đã phải lo tiếp đám kia. Thậm chí, có bận, chiếc xe tang chưa người này ra ngoài đồng chưa kịp đánh về đã có gia đình khác hốt hoảng, khổ đau chạy đến đăng ký. Họ nhận phần bởi sợ người khác tranh mất. Tang tóc là việc trọng, theo phong tục thì việc chôn cất phải được xem xét giờ giấc kỹ lưỡng, cẩn trọng. Thế nên, giờ “thân xác về đất, linh hồn về trời” đã định mà không có xe tang thì nguy khốn lắm.

Họ nhà ông Tuấn cũng không thoát khỏi vòng xoáy tai ương đó. Giọng thểu não, ông Tuấn bảo: “Họ tôi cũng chết liên tiếp 6 người. Trong đó có 5 người là chết trẻ. Kinh hãi lắm các anh ạ! Người ở làng chết đã đành, người đi xa cũng không thoát khỏi bàn tay của thần chết!”. Ông Tuấn kể, khi đó, ở làng, thấy cảnh người vô cớ chết mỗi lúc một đông, nhiều người đã chọn giải pháp là… lẩn trốn. Họ đi làm ăn xa, càng xa càng tốt những mong cái chết bất ngờ bởi “không gian cách trở” mà không tìm tới mình. Thế nhưng, sự trốn chạy đó là vô ích.

Ông Tuấn có một người cháu sinh năm 1979 công tác tận thành phố Hồ Chí Minh, làm cho ngành trắc địa. Cái chết bất thình lình của người cháu ấy đến bây giờ ông vẫn chẳng thể lý giải. Cháu ông là người khỏe mạnh, không có bất cứ bệnh tình gì trầm trọng. Thế nhưng, không hiểu vì sao, hôm đó, đang ở công ty, cháu ông bỗng dưng đột tử. Tin cháu ông mất được chuyển về giữa lúc dân làng đang hoang mang bởi những cái chết bất thường diễn ra như ngả rạ ở làng khiến ai cũng thất kinh, thảng thốt. Thân xác cháu ông được chuyển về qua đường hàng không, mọi người đón bằng nước mắt đầm đìa, bằng sự khiếp đảm, hoảng loạn.

Người cháu ấy vừa chôn cất, mộ chưa xanh cỏ thì một tin dữ khác lại được chuyển về còn rùng rợn hơn gấp bội. Một người cháu khác của ông đi xuất khẩu lao động mãi tận Mã Lai, cũng bỗng nhiên chết bất đắc kỳ tử ngay tại nơi ở trọ. Rơm rớm nước mắt, ông Tuấn bảo, người cháu này ngoan lắm, ông rất quý, rất yêu. Vậy mà ông không được nhìn mặt cháu lần cuối trước khi nó nhắm mắt lìa đời. Người cháu này trước đây đi bộ đội. Hết quân ngũ, anh được tỉnh đoàn giới thiệu đi lao động ở nước ngoài. Trước khi đi, anh mang bao hoài bão về một tương lai rạng ngời, vậy mà…

Đón con cháu về bằng “hòm gỗ cài hoa”, người nhà ông Tuấn chết lịm. Khi đó, không chỉ họ ông mà cả làng đều tim đập chân run bởi một ý nghĩ: “Thánh thần đã chọn, đã chỉ mặt gọi tên thì dù người làng có ở bất cứ nơi đâu trên cõi dương gian này thì “ngài” cũng “vật chết”, lôi về cho kỳ được!”.

Làng quê náo loạn vì tin đồn ‘thánh vật’ chết mấy chục trai đinh

Nửa quả nơi đồi người dân đào bán đất giờ đã sâu hun hút.

Cảnh tang tóc khi đó đến giờ ông Tuấn vẫn không thể nào quên được. Đi đâu người ta cũng chỉ bàn tán những chuyện rùng rợn, thảm thương đến thối cả ruột gan. Khi đó, chẳng ai muốn làm ăn gì, cứ quẩn quanh với nỗi sợ hãi mỗi lúc một lớn thêm lên. Khu ông Tuấn ở có đường dẫn ra nghĩa địa. Những ngày ấy, cả khu cứ đóng cửa im ỉm. Ai cũng sợ mở cửa ra thì tà khí của người xấu số “bay” vào nhà mình.

Khi những cái chết cứ chồng chất, cứ liên tiếp diễn ra, các cơ quan đoàn thể ở địa phương cũng như… ngồi trên chảo lửa. Ông Tuấn kể, đầu tiên là Hội người cao tuổi của làng vào cuộc. Chọn ngày đẹp, dân làng làm lễ rồi lũ lượt kéo nhau lên Đền Và, khẩn cầu đức Thánh Tản dang tay che chở. Buổi cúng lễ ấy có tới hơn 40 người tham gia, mặt ai cũng thảm thương, ủ dột. Tuy nhiên, việc ấy chẳng giải quyết gì, tai ương vẫn không ngừng tiếp diễn, người vẫn nối người xô nhau về cõi vĩnh hằng. Lúc đó, bởi nghĩ cứu mình trước khi… giời cứu, dân làng mạnh ai người ấy đi tìm thầy tướng, thầy cúng để cầu mong sự bình an đến với mình. Và, tất thảy những thày tướng cao tay đó đều khẳng định, đất của làng bị động, long mạch của làng đang có vấn đề. Thế nhưng, giải hạn, giải tai ương đó bằng cách nào thì chẳng ai biết. Nhiều thầy được mời về làng, nhưng ngó ngược nhìn xuôi đều lắc đầu nguầy nguậy nói là không làm được, không cứu được dù có trả bao nhiêu tiền đi nữa.

Trong cơn hoảng loạn, mọi người bỗng chợt nhớ tới một cao tăng đã ra tay cứu dân ở làng Nghĩa Phủ (làng nằm ngay cạnh Vân Gia) chừng gần chục năm về trước. Vị cao tăng đó là hòa thượng Thích Phúc Trí, khi đó đã trên 90 tuổi, trụ trì chùa ngàn tuổi Mễ Trì Thượng (còn gọi là Thiên Trúc tự) ở Hà Nội.

Mọi người nhớ tới vị cao tăng này là bởi thuở trước, khi trùng tu đền Nghĩa Phủ, người ta đã đắp thêm hai pho tượng hộ pháp nửa chìm nửa nổi (kiểu phù điêu) ở ngay trước cổng đền. Cũng ngay sau việc làm đó, dân Nghĩa Phủ hơn chục người bỗng dưng lăn ra chết. Toàn người trẻ, chết chẳng rõ can do. Hoảng kinh, bởi mối thâm tình, người làng Nghĩa Phủ đã xuống Hà Nội đón hòa thượng lên làm lễ trấn, yểm. Tới nơi, hòa thượng làm phép và bảo dân làng dỡ bỏ hai ông hộ pháp trước cửa đền đi thì ngay tức khác nạn khỏi tai qua. Đúng như lời hòa thượng phán, ngay sau khi dỡ bỏ hai pho tượng trên thì làng không còn cái chết bất ngờ nào nữa....

(Còn tiếp)

LÊ TRANG

Theo Bưu Điện Việt Nam

Continue Reading...


‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa

0 nhận xét

‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa

Đàn ông con trai đeo bùa hình vuông, đàn bà đeo bùa hình bát giác. Những lá bùa ấy đều được hòa thượng Thích Phúc Trí làm phép rồi phân phát cho dân làng. Trong những tháng ngày "đen tối" ấy, lá bùa đã giúp cho người dân vững tâm hơn nhiều.


Chuyện “yểm bùa” kỳ lạ

Chân tơ kẽ tóc chuyện “thánh thần nổi giận” ở làng Vân Gia thì ai cũng tỏ tường, tuy nhiên, ít người dám nói. Bởi thế, mọi người đã giới thiệu chúng tôi đến gặp ông Sơn. Ông Sơn đang làm chủ lễ ở đền Và cũng là người theo câu chuyện này từ đầu chí cuối.

Theo lời ông Sơn, khi thảm họa xảy ra, (theo con số mà ông Sơn cung cấp thì chỉ trong vòng mấy tháng cuối năm 2007, đầu năm 2008, cả làng đã có cả thảy gần 50 người chết) nên dân làng đã mạnh ai người ấy đi “xem bói” để tìm cách cứu mình, cứu gia đình mình. Điều lạ kỳ là tất cả các thầy đều phán đất làng bị động. Thế nhưng động ở đâu, vì sao động thì chẳng ai biết. Hoảng hốt, mọi người mới viện cầu đến người cao tuổi, những tiên chỉ của làng.

Ông Sơn kể, khi ấy, là trưởng ban người cao tuổi của làng, ông cũng hết sức bối rối. Chuyện tâm linh người tin người không, chẳng biết thế nào mà chiều cho kín nhẽ. Thế nhưng, trước những cái chết bí hiểm trên, như người mang trọng bệnh, phải tìm thuốc tìm thày, bất kể đó là thuốc gì. Dân làng thì bởi quá sợ hãi nên bất cứ ai đưa giải pháp gì cũng đều đồng thuận nghe theo.

Tuy nhiên, tìm đủ mọi cách cũng không làm “ngày 22 đen tối” chấm dứt. Đúng lúc ấy, người trong làng truyền tai nhau về sư cụ Thích Phúc Trí, chủ trì chùa Mễ Trì Thượng, Hà Nội là người tài giỏi, “cao tay”, đã từng giúp nhiều nơi giảm trừ hậu họa.

Như người chết đuối vớ được cọc, chẳng phải bàn tính nhiều, ngay lập tức ông và mấy cụ chức sắc trong làng vội vàng kinh lý về Hà Nội. Chờ đợi mãi thì cũng được diện kiến cao tăng. Có một chuyện lạ lùng mà đến giờ ông Sơn vẫn chẳng biết lý giải thế nào. Khi mở cửa mời ông và mọi người vào thư phòng của hòa thượng, dù chưa một lần gặp nhưng chú tiểu dẫn đường đã buột miệng hỏi: “Các bác từ Sơn Tây xuống?”. Câu hỏi bất ngờ ấy khiến ông và mọi người giật mình. “Vâng, sao thầy biết? Sao thầy biết rõ vậy?”. Trước câu hỏi đầy sự kinh ngạc của ông, chú tiểu chỉ đáp: “Trụ trì bảo tôi ra đón khách Sơn Tây thì tôi biết vậy thôi!”.

Tuy nhiên, cầu viện thế nào sư cụ Thích Phúc Trí khi ấy đã 91, 92 tuổi, cũng không đồng ý về làng. Cụ chỉ phán “Hậu họa còn tái diễn, còn nhiều người chết nữa”.

Chỉ ít ngày sau đó, lại thêm một cái chết bi thương nữa xảy ra. Lúc này, gặp bất cứ trắc trở gì mọi người đều cho là thần thánh trả thù. Có người bị bệnh quặt quẹo suốt mấy năm nhắm mắt xuôi tay mọi người cũng cho rằng người đó đã bị thần linh rước đón. Họ lý sự rằng, sao suốt mấy năm qua, đã mấy bận người ấy tưởng đi mà vẫn qua được, giờ mới chết thì phải có một nguyên do mơ hồ nào đó. Thậm chí, khi bị cảm cúm, ốm vặt, bởi quá sợ hãi, nhiều người đã quên cả việc dùng thuốc thông thường. Họ cứ cuống cuồng thắp hương, cuống cuồng lễ khấn để mong mình không bị thần thánh gọi tên.

Đúng như những gì cao tăng Thích Phúc Trí đã nói, chỉ sau hai tháng được sống trong yên lành thì chuyện khủng khiếp trên lại xảy ra. Chuyện khổ đau mất mát ấy lại được chính cao tăng thông báo. Ông Sơn kể, đầu tháng giêng, chính ông nhận được lời cảnh báo từ vị hòa thượng đáng kính ấy. Gọi điện cho ông, cao tăng bảo, dân làng chuẩn bị tinh thần, lại sắp có chuyện chẳng lành xảy ra. Nghe điện, ông đã cố gặng hỏi xem tai họa cụ thể thế nào, có cách nào tránh được không, thế nhưng, cao tăng đã vội cúp máy.

‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa
‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa

Ông Sơn, Trưởng ban người cao tuổi làng Vân Gia.

Nhận được lời cảnh báo ấy, ông đã định không nói với ai bởi sợ mọi người hoang mang, hoảng loạn. Thế nhưng, nghĩ kỹ thì nên nói với mọi người vì biết đâu, khi đã cẩn trọng trong đi lại, sinh hoạt thì sẽ qua được mệnh trời. Đúng như ông nghĩ, sau khi biết tin đó, mọi người đã vô cùng sợ hãi. Chẳng ai bảo ai nhưng tất cả những việc làm có thể gây nguy hiểm đến tính mạng đều tạm thời dừng lại. Ra đường, ai cũng trông trước ngó sau và tránh xa những phương tiện có thể gây thương vong tới mình. Nín thở chờ đợi, nín thở lo sợ.

Nhưng rồi, tất cả sự cẩn trọng, cảnh giác của mọi người cũng chẳng thể xua đuổi được chuyện kinh hãi chẳng ai muốn ấy. Như đã nói, ngày 22 âm lịch, một thanh niên ở thôn 8 bất ngờ bị tai nạn xe máy, một phần sống chín phần chết. Ngày 23, ông Phùng Văn H, bỗng dưng lăn ra chết sau khi đi tập thể dục buổi sáng về. Ngày 24 tháng sau, cậu thanh niên bị tai nạn xe máy cũng không qua khỏi.

"Sau những cái chết kinh dị đó, không còn chỗ bấu víu, tôi lại được giao nhiệm vụ xuống Hà Nội cậy nhờ cao tăng Thích Phúc Trí. Chuyến đi ấy, tôi và mọi người trong đoàn đã phủ phục ở chùa như người… ăn vạ. Và may mắn, cao tăng đã nhận lời về làng trừ họa", ông Sơn kể.

"Về tới đầu làng thì mọi người ra đón đông nghịt. Trước lúc đi, cao tăng có nói chỉ làm trong nửa giờ là phải trở về Hà Nội ngay nên khi tới nơi, ngài bắt tay ngay vào việc. Theo lời cao tăng thì ngài sẽ ấn long mạch chìm sâu thêm xuống 7 tầng đất nữa.

Dân làng quây kín xung quanh dõi theo từng biến động trên nét mặt của ngài. Khi ngài vừa trừng mắt thì kỳ lạ thay, gió bỗng nổi lên, mây đen không biết từ đâu ùn ùn kéo tới. Gió thổi mạnh tới nỗi người đứng trên đồi như xiêu như vẹo. Thế nhưng, kinh ngạc thay, khi cao tăng vừa thu mình ngồi xuống chiếu thì gió lại ngưng, mây cũng tan đâu hết. Ngồi chắp bắt khuyết một lát thì cao tăng quay về mặt về phía tôi khẽ gật đầu, ý là việc đã xong. Khi mọi người xúm vào đỡ cao tăng dậy thì nét mặt ngài đã thư thái, khoan nhẹ như lúc bình thường. Mọi người nhanh chóng đưa ngài trở về nhà thờ tổ của chùa Vân Gia ở ngay gần đó".

Theo ông Sơn, từ khi mời được cao tăng Thích Phúc Trí lên ra tay trừ họa, (khoảng đầu tháng 5/2009) thì mọi việc có vẻ tạm yên. Không còn những cái chết bất ngờ, và đặc biệt tai họa cũng không tìm đến vào “ngày đen đủi” 22 âm lịch hằng tháng nữa.

Cả làng đeo bùa chú

Chỉ cho chúng tôi xem những lá bùa chú được dán khắp các góc nhà, vẫn giọng thểu não, rầu rầu, ông Phùng Văn Tuấn, trưởng thôn 8 bảo, ở làng, hầu như nhà nào cũng phải dán bùa để trừ tà, đặc biệt là những gia đình từng có người bị thần chết bắt đi.

‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa

Bùa cầu an luôn theo ông Tuấn mỗi dịp đi xa.

‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa

Các cháu bé cũng mang trên mình bùa cầu an.

‘Cả làng thánh vật ngày 22’ đeo bùa chú để tránh đại họa

Theo bà Chu Thị Hòa, lá bùa này giúp bà vững tâm hơn nhiều sau "đại họa" của làng.

Ông Tuấn từng phục vụ trong quân ngũ, đặc biệt lại là ngành tuyên huấn nên trước đây, ông chẳng tin chuyện ma mãnh, quỷ thần hại người. Thế nhưng, với những chuyện rùng rợn đã diễn ra, tận mắt chứng kiến, tận thấy nỗi đau mất người khía vào gan ruột thì dường như ông đã thay đổi quan điểm. Bằng chứng là lúc nào trên túi áo ngực của ông cũng có bùa hộ thân. Lá bùa ấy ông gói ghém cẩn thận và để trong túi ni lông cho vững tâm.

Theo ông Tuấn, dân làng Vân Gia sau kiếp nạn kinh hãi đó, dù đã xảy ra cách 2 năm trời nhưng giờ hầu như ai cũng đeo bùa cầu an. Người cầu kỳ thì dùng lễ xin bùa giấy, người không có điều kiện thì đeo bùa bằng bạc ở cổ với hình thù khác nhau tùy theo giới tính. Theo đó thì đàn ông con trai đeo bùa hình vuông, đàn bà đeo bùa hình bát giác. Trên những lá bùa bé bằng đầu ngón tay đó đều có dập chìm chữ Tàu và hầu như dân làng chẳng ai rõ những chữ ấy ý nghĩa thế nào, tuy nhiên, khi đeo nó ai cũng cảm thấy an lòng hơn.

(Kỳ cuối: Ý kiến chuyên gia: "Có lẽ chỉ là sự trùng hợp")

TRANG LÊ

Theo Bưu Điện Việt Nam

Continue Reading...


Mẹ hung thủ giết hại bảo vệ ngân hàng: 'Nó là kẻ tồi tệ'

0 nhận xét

Mẹ hung thủ giết hại bảo vệ ngân hàng: 'Nó là kẻ tồi tệ'

Bà Lượng lau những giọt nước mắt cay đắng nói: “Chưa kể đến việc nó giết người dã man thì nó cũng là một người bố tồi tệ, đến con chó nó đẻ con ra nó còn biết thương xót, đằng này con nó nó vứt chỏng chơ, không thèm ngó ngàng, hỏi thăm lấy một câu”.


Mẹ hung thủ giết hại bảo vệ ngân hàng: 'Nó là kẻ tồi tệ'

Phòng bảo vệ, nơi bác Nguyễn Tiến Văn bị sát hại

Con giết người bố mẹ “ẩn nấp” trong nhà

Ngay sau khi hung thủ giết chết bảo vệ chi nhánh ngân hàng Agribank dã man khiến những người dân một phen hoang mang, sợ hãi, bị bắt, chúng tôi đã tìm về thôn Thượng Lý, Mĩ Hưng, Thanh Oai, Hà Nội để tìm hiểu thêm về thân nhân của kẻ thủ ác Nguyễn Bá Quỳnh (SN 1983).

Căn nhà nơi kẻ thủ ác này ở, cũng là nơi bố mẹ ruột của anh ta đang cư trú, khá “hoành tráng” so với những ngôi nhà mái ngói lụp xụp xung quanh. Ngồi tiếp chúng tôi, bố mẹ Quỳnh là Nguyễn Bá Phúc (SN 1957) và Nguyễn Thị Lượng (SN 1959) cho biết, Quỳnh là con trai út và duy nhất trong gia đình, trên Quỳnh còn có hai chị gái, đều đã có gia đình.

Mẹ hung thủ giết hại bảo vệ ngân hàng: 'Nó là kẻ tồi tệ'

Bố của Nguyễn Bá Quỳnh đau lòng trước sự việc con trai gây ra

Không giấu nổi nỗi niềm chua xót, tủi nhục, khi chúng tôi chỉ vừa hỏi về trường hợp của Quỳnh, người mẹ đã khóc nấc đau đớn nói: “Không biết tôi đã làm gì sai mà giờ thằng con tôi nó lại gây nên tội nghiệp lớn đến thế, đi ăn trộm ăn cắp đã đành, đằng này nó còn giết chết người ta một cách dã man, thử hỏi hai cái thân già này còn biết nhìn mặt ai”.

Trong lúc vợ đang thút thít khóc ròng, ông Phúc, bố của Quỳnh buồn phiền nói: “Hôm đầu tiên nghe tin có vụ giết người ở ngân hàng, bà con bàn tán xôn xao, ngay cả gia đình chúng tôi cũng thấy hoang mang vì thủ đoạn ghê rợn của kẻ gây án. Thế nhưng, đến khi công an vào nhà nói rằng chính thằng Quỳnh là kẻ gây án, cả tôi và mẹ nó đều giật mình ngã ngửa, không thể tin được rằng vụ việc kinh hoàng lại do chính thằng con trai mình gây ra".

Mẹ hung thủ giết hại bảo vệ ngân hàng: 'Nó là kẻ tồi tệ'

Đối tượng Nguyễn Bá Quỳnh, kẻ đã dã man giết hại bảo vệ ngân hàng

Kể từ khi biết con mình là hung phạm, người chết lại ngay ở xã bên cạnh, thêm nữa trước đó làng xóm xung quanh đều rất căm phẫn hành vi giết người dã man của hung thủ, ông Phúc và bà Lượng không dám ló mặt ra đường. Một mặt vì xấu hổ, tủi nhục, phần vì cũng lo sợ, nhỡ người nhà nạn nhân cùng quẫn có thể gây nguy hiểm đến nhà mình. Mấy ngày nay, bà Phúc không dám đi chợ, phải nhờ mấy người nhà đi chợ mua thức ăn hộ hàng ngày, 2 thân già cứ lủi thủi chốn trong nhà vì sợ phiền hà.

Được biết, Quỳnh đã có vợ là Lê Thị Tân (SN 1985) và đã có một con trai được 5 tuổi, nhưng từ 3 tháng trước khi gây án Quỳnh đã bỏ đi biệt tích, không hề liên lạc gì với bố mẹ, hay vợ con.

Ngay cả số điện thoại của mình, Quỳnh cũng đổi, trong suốt thời gian ấy đến khi gây án, Quỳnh gần như đã tuyệt giao, không có bất kỳ tin tức nào. Bà Lượng lau những giọt nước mắt cay đắng nói: “Chưa kể đến việc nó giết người dã man thì nó cũng là một người bố tồi tệ, đến con chó nó đẻ con ra nó còn biết thương xót, đằng này con nó nó vứt chỏng chơ, không thèm ngó ngàng, hỏi thăm lấy một câu”.

Gia đình hung thủ cũng cho biết, việc Quỳnh bỏ đi là vì đã yêu một người con gái khác. Bởi lẽ, cách đây ít lâu, Quỳnh có gọi điện về bắt vợ viết giấy ly dị, chỉ đợi mình về ký là xong, nhưng vợ không đồng ý. Ông Phúc và bà Lượng cũng ra sức ngăn cản, nhưng Quỳnh không nghe và nói rằng sẽ không bao giờ trở về nhà nữa.

Kẻ thủ ác có biểu hiện thần kinh bất thường

Về hành vi giết người cướp tài sản của đứa con tội lỗi, ông Phúc và Lượng hoàn toàn không thể ngờ rằng con mình lại có thể liều lĩnh đến như vậy. Hai người cho biết, kinh tế gia đình chẳng đến mức khó khăn, thậm chí còn thuộc dạng có của ăn của để, chưa bao giờ để cho đứa con trai của mình phải túng thiếu đến mức phải đi giết người cướp của.

Mẹ hung thủ giết hại bảo vệ ngân hàng: 'Nó là kẻ tồi tệ'

Bà Lượng mếu máo bên đứa con trai 5 tuổi của người bố sát nhân - Nguyễn Bá Quỳnh

Phía gia đình của đối tượng Nguyễn Bá Quỳnh còn cung cấp cho chúng tôi thông tin về việc trước đây Quỳnh có lần từng đánh nhau với bạn, bị bạn cầm gạch đập mạnh vào đầu đến nằm bất tỉnh ở vệ đường đê. Đến khi người nhà phát hiện đưa đi bệnh viện, bác sĩ khám và cho biết bị vỡ xương sọ, gây chấn thương sọ não, bị tụ máu não và phải mổ.

Cũng từ sau lần đó, tính tình của Quỳnh thay đổi nhiều, hay cáu gắt, nhiều lần tham gia các vụ ẩu đả, đánh nhau với các thanh niên trong làng. Mới nhất là vụ đánh nhau với người bảo vệ trường học, Quỳnh cùng một đám thanh niên gây sự rồi đánh tập thể, đến khi bị triệu tập lên xã, Quỳnh lại đứng lên oang oang nói rằng mỗi mình đánh.

Bà Lượng kể lại: “Sau khi chữa bệnh xong, cứ hôm trái gió trở trời là nó lại kêu đau đầu, rồi cứ hét toáng lên, còn đòi nhảy từ trên tầng xuống đất, vợ nó phải ôm nó mãi, đến khi thằng con nó thấy bố thế sợ quá, khóc rống lên, nghe tiếng con khóc, nó mới bình thường trở lại”.

Mới đây, Quỳnh còn bị ngã từ trên tầng hai xuống, đưa đi bệnh viện khám, các bác sĩ cho biết bị dồn cột sống, nếu không mổ nhanh sẽ liệt toàn bộ phần nửa người dưới, cả đời thành tàn phế.

Trước khi chúng tôi ra về, bà Lượng hoen ướt hai dòng lệ nói: “Con tôi đã gây ra tội lỗi lớn, giết người ta quá dã man, nó phải gánh chịu sự trừng phạt của pháp luật. Chỉ thương cho thằng con nó, mấy tháng nay nhớ bố mà không được gặp bố lấy một lần, và cả đứa con dâu ngoan hiền, dù biết chồng ngoại tình nhưng vẫn hy vọng có ngày chồng hồi tâm chuyển ý, giờ cơ sự thế này, còn biết trông mong vào đâu”.

KINH VÂN

Theo Bưu Điện Việt Nam

Continue Reading...


Lời khai ban đầu của kẻ giết bảo vệ ngân hàng

0 nhận xét

Lời khai ban đầu của kẻ giết bảo vệ ngân hàng

Vì món nợ 12 triệu đồng do lô đề, cờ bạc, cộng thêm việc cần tiền để chung sống với “vợ mới”, Quỳnh đã chuẩn bị kìm, bình ga, bình ô xy và cả đèn khò để gây án.


Ngày 16/11, hung thủ Nguyễn Bá Quỳnh, SN 1983, trú tại thôn Phượng Mỹ, xã Mỹ Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội, kẻ ra tay sát hại bảo vệ Phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi Nhánh Bình Đà, đã đưa cảnh sát tới những nơi mà hắn mua hung khí gây án và nơi vứt những vật dụng sau khi giết bảo vệ rồi cướp của.

Lời khai ban đầu của kẻ giết bảo vệ ngân hàng

Quỳnh bị dẫn giải đi tìm những tang vật vụ án.

Theo cán bộ điều tra vụ án, phải mất hơn 12 giờ đấu tranh, khai thác Quỳnh mới nhận tội giết người dã man của mình.

Từ khi lấy lời khai tới khi dẫn điều tra viên tới hiện trường liên quan tới vụ án, Quỳnh luôn giữ thái độ bình thản. Kẻ sát nhân khai rạch ròi, từng chi tiết cũng như hành vi mất hết nhân tính của mình.

Quỳnh từng có tiền án nhưng sau khi cải tạo, về nhà đã học nghề lái xe và đang làm cho một công trình xây dựng gần nhà. Thấy người đàn ông từng lầm lỗi tu chí, làm lại cuộc đời, năm 2005, chị Nguyễn Thị Mai đã yêu và sớm về làm vợ Quỳnh. Cuộc sống vợ chồng hạnh phúc khi hai người sinh được cháu trai kháu khỉnh. Thế nhưng, vài tháng gần đây, Quỳnh tự dưng bỏ việc, thường đi biền biệt, không về nhà.

Chị Mai ngờ ngợ việc chồng có bồ nhưng anh ta nói xuống Hà Đông ở cùng bạn trai nên chị cũng không hỏi kỹ. Mà có muốn hỏi kỹ Quỳnh cũng không nói. Thế rồi "đùng một cái", Mai biết chồng mình chính là hung thủ giết người, cướp tài sản một cách dã man mà chị đọc được trên báo.

Bẽ bàng hơn, Mai biết sự thật rằng chồng mình có bồ nhí và cô này đang có thai với Quỳnh. Người vợ mới 26 tuổi này chết lặng.

Theo lời khai ban đầu của Quỳnh, khi ở Hà Đông, anh ta đã yêu Đặng Thị Ngọc, 19 tuổi. Ngọc vốn có chồng và 2 con nhưng vì hay bị chồng đánh đập nên người phụ nữ này chán nản, bỏ nghề buôn hoa quả, cho thuê lại cửa hàng được 2 triệu đồng/tháng. Không nghề nghiệp, Ngọc vướng vào vụ án mua bán trái phép chất ma túy. Do đang nuôi con nhỏ, nên cô được tại ngoại và dự kiến phiên tòa xét xử hành vi phạm tội của cô sẽ được diễn ra vào ngày 17/11.

Theo lời Ngọc thì khoảng tháng 8, biết cô vướng vào lao lý nên chồng cô đã không ít lần đánh đập. Ngọc đã có lần bỏ nhà đi. Ngọc đã gặp Quỳnh và hai người đã sống với nhau như vợ chồng.

Ngọc có bầu rồi bỏ đứa con đi. Quỳnh biết và tỏ vẻ không hài lòng. Bỏ thai chưa được bao lâu thì Ngọc lại có thai tiếp. Ngày 9/11, Quỳnh đã đưa Ngọc đi siêu âm và phát hiện cái thai trong bụng đã được khoảng 5 tuần tuổi. Quỳnh và Ngọc quyết tâm ở với nhau nên Quỳnh đã gọi thông báo cho chồng của Ngọc biết. Ngọc và Quỳnh đang tranh cãi xung quanh chuyện để đẻ và nuôi con ra sao thì vụ án xảy ra.

Theo Quỳnh, phần vì chuyện muốn kiếm tiền cho người tình giữ lại cái thai, một phần bị chủ nợ thúc ép phải trả 12 triệu do chơi lô đề, cờ bạc nên Quỳnh đã nảy sinh ý định đột nhập vào ngân hàng cướp tài sản. Kẻ sát nhân này nghĩ đến Phòng giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chi Nhánh Bình Đà bởi trước đây, Quỳnh từng đến đây gửi tiền nên biết về nơi này.

Sau khi thám thính nơi gây án, chiều 11/11, Quỳnh mượn xe của bạn đi mua một con dao Thái Lan và bình oxy cá nhân ở một cửa hàng dọc Quốc lộ 21 cùng đồng hồ của bình oxy. Có đồ dùng, Quỳnh quay lại nơi trọ lắp đồng hồ vào bình oxy và thử công dụng của chiếc bình này. Sau đó, hắn ta cho tất cả những dụng cụ vào một chiếc túi rồi đi xuống đại lý ở xóm Mùi, Thanh Oai, Hà Nội mua bình ga. Quỳnh lại vòng vào một cửa hàng ở chợ Tam Hưng mua dây dù. Tất cả những vật dùng đó Quỳnh mang vứt ở khu vườn phía sau của ngân hàng, rồi quay về đi trả xe máy.

Tối cùng ngày, Quỳnh tới ngân hàng và dùng một ván gỗ gần đó để đột nhập vào trong từ phía sau và dùng dây dù kéo bình gas, bình oxy vào trong.

Quỳnh chờ khi ông Nguyễn Tiến Văn, SN 1963, trú tại thôn Bình Đà, xã Bình Minh, là Công an viên xã Bình Minh, nhân viên bảo vệ của ngân hàng ngủ say, liền tấn công nạn nhân. Sau khi nạn nhân chết, kẻ sát nhân lấy chiếc ĐTDĐ Nokia 1280 và chùm chìa khóa.

Chân tay dính máu, Quỳnh ra rửa rồi dùng máy khò khoan cửa ngân hàng đột nhập vào trong. Khi khoan cái két sắt thứ nhất, Quỳnh thấy không có tiền nên khò phá két thứ hai. Nhưng khi đang khò thì Quỳnh nghĩ ở lâu có thể bị lộ nên thôi không phá két nữa, đi ra lấy xe máy của nạn nhân rồi bỏ đi.

Lúc đó khoảng 1h sáng 12/11, Quỳnh gọi điện thoại cho vợ mang quần áo ra thay rồi mang luôn bộ quần áo dính máu cho vào túi nylon và lại lên xe đi tiếp. Sau đó, Quỳnh đi ra cầu Hữu Hòa, thuộc đường Tả Thanh Oai, Thanh Trì, Hà Nội vứt chiếc bình oxy xuống đây rồi trên đường đi, hắn ta vứt tiếp bình ga xuống khu vực gần Công ty CP cơ khí (thuộc xã Thanh Liệt, Thanh Trì) còn chiếc túi, bên trong có con dao gây án, dây dù, quần dính máu và đôi giầy vứt xuống giữa cầu Thanh Trì, thuộc phường Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội. Khi vứt xong tất cả những dụng cụ gây án, Quỳnh quay lại đường Lê Trọng Tấn, thuộc phường Kiến Hưng, Hà Đông, Hà Nội, vứt xe máy của nạn nhân lại đó. Quỳnh đi bộ, đợi trời sáng rồi đi về nhà trọ.

Đến 14h chiều 12/11, Quỳnh mang chiếc điện thoại của nạn nhân ra cửa hàng điện thoại ở tổ 3 La Khê, Hà Đông đổi lấy chiếc ĐTDĐ 1110i và các thêm 100 nghìn đồng.

Khoảng 20h30 tối 14/11, Quỳnh gặp người tình bàn về chuyện giữ lại cái thai thì bị bắt giữ.

Vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra, làm rõ.

MAI PHƯƠNG

Theo Bưu Điện Việt Nam

Continue Reading...


9X giết người tình của mẹ

0 nhận xét

9X giết người tình của mẹ

Ông Huấn là người tình của mẹ Kiên, tới nhà nhà gây chuyện vì nghi ngờ bà này có người khác. Bực tức, cậu thanh niên này đã đâm ông Huấn tử vong.



9X giết người tình của mẹ

Công an huyện Thanh Oai cho biết, cơ quan này đang phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra vụ án mạng con trai giết người tình của mẹ xảy ra tại thôn Tràng Cát - xã Kim An - huyện Thanh Oai - Hà Nội.

Theo điều tra ban đầu, Hung thủ được xác định là Nguyễn Văn Kiên (SN 1991) còn nạn nhân là ông Nguyễn Quang Huấn.

Nguyên nhân vụ án mạng là do ông Huấn có quan hệ tình cảm với bà Vị (mẹ của Kiên). Quan hệ tình cảm với nhau đã lâu, gần đây ông Huấn nghi ngờ bà này có quan hệ tình cảm với người khác nên tối 14/11, đã đến nhà gây chuyện. Lời qua tiếng lại, Kiên đã dùng gậy gỗ đánh ông Huấn trọng thương phải đi cấp cứu tại bệnh viện Việt - Đức nhưng tử vong sau khoảng một ngày.

Vụ việc đang được làm rõ.

Continue Reading...


Đi nhờ xe của chú mua bò, bé gái 8 tuổi bị hiếp dâm

0 nhận xét







Đạt chở bé gái trên xe máy đi được khoảng 100m thì thấy một chòi rẫy bỏ hoang lại không có người qua lại nên đưa thẳng cháu bé vào trong đó thực hiện hành vi đồi bại.

Ngày 17/11, Đại tá Nguyễn Văn Lãng, Trưởng công an huyện Hàm Thuận Bắc (tỉnh Bình Thuận) cho biết vừa bắt khẩn cấp đối tượng Huỳnh Quốc Đạt (40 tuổi, trú tại xã Hàm Liêm) để điều tra làm rõ hành vi “hiếp dâm trẻ em”.



Đi nhờ xe của chú mua bò, bé gái 8 tuổi bị hiếp dâm

Trước đó, sau khi nhậu xong, Đạt đến nhà ông Tuấn ở cùng thôn hỏi mua bò. Khi về, cháu Hương (8 tuổi, con ông Tuấn) hỏi xin nhờ đến nhà chú chơi và được gã buôn bò đồng ý.

Lúc này trong người có “ma men”, Đạt chở bé gái trên xe máy đi được khoảng 100m thì thấy một chòi rẫy bỏ hoang lại không có người qua lại nên nẩy sinh ý định đồi bại. Hắn liền chạy xe vào trong đó rồi hiếp dâm. Tuy nhiên cháu Hương chống cự quyết liệt rồi gào khóc kêu cứu.

Thời điểm này, ông Tuấn cũng đi sang nhà em trai chơi thì nghe thấy tiếng con gái ở chòi hoang nên chạy tới. Phát hiện có người đến, gã “yêu râu xanh” chưa kịp thực hiện hành vi đê hèn của mình đã phải phóng xe bỏ chạy thục mạng.

Ngay sau đó bố nạn nhân đến cơ quan công an trình báo. Tên “dê xồm” Đạt bị bắt giữ ngay sau đó và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

MAI VŨ

Theo Bưu Điện Việt Nam




Continue Reading...


 

Tổng số lượt xem trang

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by Rao Vặt Việc làm