RSS

Bi kịch từ lòng tham trong các vụ vỡ nợ tiền tỷ


Bi kịch từ lòng tham trong các vụ vỡ nợ tiền tỷ

Đau buồn vì tiền chắt chiu cả đời mất trắng, bị gia đình trách móc, hắt hủi, mất uy tín, có người uất ức đã tự tử... Hàng loạt hệ lụy kéo theo sau những vụ vỡ nợ bạc tỷ chỉ vì người cho vay ham lãi suất cao.

TAND Tối cao tại TP HCM vừa xét xử bị cáo Phạm Thị Tới (40 tuổi, ngụ tại Vũng Tàu) về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tuyên án phạt 17 năm tù.

Theo bản án chung thẩm, là thợ may nhưng bằng lời lẽ ngon ngọt, hứa trả lãi suất cao, Tới đã lừa vay của 4 người với số tiền lên đến 6,66 tỷ đồng.

Tới bảo vay tiền dùng vào việc đáo hạn ngân hàng nhưng thực chất là lấy của người này trả cho người kia và tiêu xài cá nhân. Đến khi không còn khả năng thanh toán, Tới bỏ trốn để "xù" nợ.

Bị cáo Phạm Thị Tới trước cơ quan xét xử.
Bị cáo Phạm Thị Tới chỉ là một thợ may, nhưng đã lừa đảo chiếm đoạt nhiều tỷ đồng của nạn nhân. Ảnh: V. M.

Theo nhà chức trách, việc làm sai trái của người đàn bà này đã đẩy nhiều gia đình vào hoàn cảnh khốn đốn, kiệt quệ. Một trong những nạn nhân của Tới là bà Mai - cho vay số tiền nhiều nhất, hơn 3 tỷ đồng. Là hàng xóm lâu năm, biết rõ Tới nhưng nghe người đàn bà này thủ thỉ đang tham gia cho vay đáo hạn ngân hàng với lãi suất cao, bà Mai cùng "bùi tai" cho vay với số tiền ban đầu chỉ 100-200 triệu đồng.

Tại tòa hôm đó bà Mai trình bày, ban đầu Tới trả lãi đều đặn nên tin tưởng. Những lần sau Tới bảo cần tiền gấp, hứa chỉ vay trong vài ngày. Nhưng đến hẹn bà ta không trả mà bảo tiền đang "kẹt" trong ngân hàng, muốn lấy về phải đưa thêm để "chồng" vào cho đủ mới rút ra được. Quá nóng ruột lấy tiền về, bà chạy đôn chạy đáo khắp nơi gom tiền đưa cho Tới. Không ngờ chỉ vài ngày sau người hàng xóm này trốn mất. Đến lúc này, bà Mai phải đối mặt với sức ép rất lớn từ nhiều phía. Chồng cằn nhằn, bạn hàng thúc ép đòi nợ… cuộc sống gia đình bà cũng từ đó mà trở nên căng thẳng.

"Bao nhiêu công sức vợ chồng dành dụm, chắt chiu bỗng dưng bay biến, tôi phải bán nhà, bán xe để trả nợ. Nghĩ lại mà thấy giận bản thân, tiếc đứt ruột mà phải cắn răng chịu. Chỉ vì ham chút lãi suất chẳng đáng bao nhiêu mà mất cả chì lẫn chài”, bà Mai thở dài.

Tuy nhiên, bà Mai bảo mình vẫn còn may khi nhanh chân hơn những người khác, vớt vát được một phần tiền cho vay từ việc bắt nợ căn nhà của Tới. "Tôi phải cắn răng chấp nhận cấn trừ nửa số nợ bằng căn nhà trị giá chỉ vài trăm triệu đồng", giọng bà chua xót.

Không mất nhiều tiền như bà Mai, nhưng với chị Lan (cũng là nạn nhân của Tới) thì tổn thất còn phải đánh đổi bằng cả mạng sống người chị dâu. Chút lợi nhuận trước mắt đã khiến chị lôi kéo cả người thân vào việc này, kết cục dẫn đến gia đình tan nát.

Sau vài lần gặp gỡ Tới, chị Lan (cán bộ ngân hàng) tin tưởng dồn hết số tiền tích góp được, mượn thêm cả tiền của chị dâu cộng lại được 1,6 tỷ để đưa cho người thợ may vay lấy lãi. Khi vụ việc vỡ lở, Tới không còn khả năng trả, cả gia đình chị Lan bắt đầu nhốn nháo. Người chị dâu quá uất ức, đau buồn khi mất hết tiền của lại bị chồng dằn vặt, con cái cũng buồn rầu... nên đã tìm đến cái chết.

"Gia đình đang yên ổn bỗng dưng tan nát hết. Tôi làm liên lụy đến cả gia đình của anh chị mình. Giờ có ăn năn thì sự việc cũng đã quá muộn. Tôi cố xoay xở để bù đắp phần nào mất mát cho gia đình anh chị, khắc phục hậu quả, nhưng trong lòng vẫn luôn thấy mình có tội với họ", giọng chị Lan buồn bã.

Những nạn nhân còn lại trong vụ vỡ nợ của người thợ may cũng rơi vào hoàn cảnh bi đát tương tự. Việc cùng lúc có nhiều người dễ dàng trao số tiền lớn cho một người không đáng tin cậy khiến chủ tọa phiên tòa phải thốt lên: “Các bà quen thân với bị cáo, biết bị cáo chỉ là thợ may chứ có phải nhà đầu tư, kinh doanh đâu mà lại dám đưa số tiền lớn đến vậy? Lúc bị bắt bị cáo không còn gì cả, đến chỗ ở cũng phải đi thuê thì tiền đâu ra mà trả nợ?”.

Bà Mỹ tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Vũ Mai
Bà Mỹ tại phiên tòa phúc thẩm. Ảnh: Hải Duyên

Cũng bằng chiêu thức lừa đảo, nhưng thủ đoạn của Huỳnh Thị Mỹ (44 tuổi, ngụ tại Đồng Tháp) tinh vi hơn. Người đàn bà này đã lừa và chiếm đoạt của hàng loạt nạn nhân với số tiền gần 20 tỷ đồng.

Chỉ làm nghề buôn bán mắm và không có vốn trong tay, nhưng vì muốn làm giàu, Mỹ đã huy động tiền của nhiều người với lãi suất từ 3 đến 24% mỗi tháng để mua đất xây nhà kinh doanh phòng trọ và làm dịch vụ đáo hạn ngân hàng.

Việc làm ăn không hiệu quả, lại phải trả lãi suất "khủng" khiến Mỹ dần mất khả năng thanh toán. Mỹ tiếp tục hỏi vay của người sau trả cho người trước. Để chủ nợ tin tưởng, Mỹ giả chữ ký của chồng, đưa hợp đồng vay nợ ngân hàng khống cho họ xem. Biết đi vay lãi cao, làm ăn không sinh lời thì không thể trả được nợ, nhưng Mỹ vẫn dấn sau vào con đường tội lỗi, vay của người này trả cho người kia. Số tiền nợ cứ từ đó mà lớn dần, cuối cùng hành vi của bà buôn mắm cũng bị tố cáo.

Là một trong những nạn nhân của Mỹ, anh Nghĩa đã cho bà ta vay tổng cộng 13 tỷ đồng chỉ vì ham lãi suất 18-24% mỗi tháng. Tương tự có thêm 6 nạn nhân khác cũng rơi vào tròng của Mỹ.

Với hành vi phạm tội trên, TAND Tối cao tại TP HCM đã tuyên phạt Mỹ mức án 17 năm tù về tội lừa đảo và chiếm đoạt tài sản.

Theo một thẩm phán, trong các bản án tòa đều buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại. Nhưng số tài sản ít ỏi còn lại của bị cáo (nếu có) không thấm vào đâu so với khoản nợ kếch xù. "Hy vọng đòi lại tiền của các nạn nhân rất mong manh. Đôi khi là dấu chấm hết bởi nhiều kẻ tuyên bố sẵn sàng chấp nhận đi tù để "xù" nợ", ông nói.

Hải Duyên



0 Responses to "Bi kịch từ lòng tham trong các vụ vỡ nợ tiền tỷ"

Đăng nhận xét

 

Tổng số lượt xem trang

Return to top of page Copyright © 2010 | Flash News Converted into Blogger Template by Rao Vặt Việc làm